Theo Sci-News, dấu vết hóa thạch của một loài linh trưởng họ Người (họ Hominidae) chưa từng được biết đến vừa được phát hiện tại di chỉ Hammerschmiede ở bang Bavaria – Đức.
Nó được đặt tên là Buronius manfredschmidi, một vượn nhân hình đã tuyệt chủng, bé nhỏ hơn chúng ta và các vị tổ tiên gần gũi rất nhiều.
Hammerschmiede từng được biết đến là nơi sinh sống của các thành viên thuộc loài Danuvius guggenmosi của họ Người trong thế Trung Tân thuộc kỷ Tân Cận, kéo dài từ 23,03 triệu năm đến 2,58 triệu năm trước.
Theo TS Madelaine Böhme từ Đại học Tübingen (Đức), phát hiện về loài mới Buronius manfredschmidi đã khẳng định Bravia từng là “miền đất hứa” đặc biệt của các sinh vật giống người.
Ngoài Hammerschmiede, chưa có nơi nào khác trên khắp châu Âu có hóa thạch của hơn 1 loài giống người từng được phát hiện.
Hóa thạch của loài mới bao gồm một phần tàn tích của hai chiếc răng và một xương bánh chè có kích thước và hình dạng khác biệt với Danuvius guggenmosi và tất cả các loài vượn nhân hình đã biết khác.
Các mảnh xương cho thấy sinh vật này có trọng lượng khoảng 10 kg khi còn sống, nhỏ nhất trong các thành viên của họ Người từng được biết đến.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí PLOS One cũng chỉ ra loài này là một nhà leo núi lão luyện và ăn chế độ ăn các loại thực phẩm mềm như lá cây.
Chính men răng mịn trên các phần hóa thạch giúp kết luận chế độ ăn của sinh vật. Trong khi đó, Danuvius guggenmosi là loài ăn tạp, thể hiện qua khía và chỏm răng cùn.
Chế độ ăn khác nhau có thể là lý do khiến hai loài vượn nhân hình có thể cùng chia sẻ môi trường sống ở Hammerschmiede.
Các nhà khoa học vẫn đang đào sâu phát hiện thú vị này bởi chia sẻ môi trường sống giữa các loài khác nhau của họ Người vẫn là hành vi hiếm thấy.
Họ Người là một họ lớn bao gồm nhiều loài vượn lớn hiện đại đã tuyệt chủng.
Họ Người hiện đại chỉ còn 4 chi, gồm 8 loài: Chi Pongo (đười ươi Borneo, Sumatra, Tapanuli), chi Gorilla (khỉ đột Đông và Tây), chi Pan (tinh tinh và tinh tinh lùn), chi Homo – tức chi Người (chỉ còn loài Homo sapiens chúng ta).