Lộ diện “hành tinh bất tử” Phượng Hoàng, già hơn Trái Đất

  • Quái thú chưa từng thấy lộ diện sau 138 triệu năm ẩn mình
  • Clip rùng mình từ ESA: Trái Đất trong khoảnh khắc “đảo ngược”
  • Mỹ dò tín hiệu vô tuyến từ 7 hành tinh gần giống Trái Đất

  • Hành tinh Phoenix (Phượng Hoàng) có tên khoa học chính thức là TIC 365102760b, quay quanh ngôi sao khổng lồ đỏ TIC 365102760 trong chòm sao Thiên Nga, cách chúng ta 1.810 năm ánh sáng.

    Lộ diện

    Hành tinh Phoenix có “mẹ” là một ngôi sao khổng lồ đỏ – Ảnh AI: Anh Thư

    Ngôi sao mẹ TIC 365102760 có tuổi đời ít nhất 6,3 tỉ năm, như vậy tuổi đời của Phoenix cũng chỉ kém cạnh một chút, tức già hơn Trái Đất rất nhiều.

    Mang tên loài chim lửa thần thoại, Phoenix thực sự rất nóng bỏng. Nó được xếp vào loại hành tinh “Sao Hải Vương nóng” rất hiếm trong vũ trụ, tức loại hành tinh khí khổng lồ giống Sao Hải Vương của hệ Mặt Trời nhưng tương phản về nhiệt.

    Phoenix có bán kính lớn hơn Trái Đất 6,2 lần, nặng hơn 19,2 lần. Khoảng cách của nó với ngôi sao mẹ chỉ bằng 1/6 khoảng cách Sao Thủy – Mặt Trời, do đó chỉ mất 4,2 ngày để đi hết một vòng quanh sao mẹ.

    Tuổi của hành tinh và nhiệt độ nóng như thiêu đốt, cùng với mật độ thấp bất ngờ, lẽ ra đã khiến nó mất hoàn toàn bầu khí quyển từ lâu.

    Thông thường, các hành tinh quá gần sao mẹ sẽ bị tắm trong bức xạ khắc nghiệt, với những cơn gió sao thổi bay toàn bộ khí quyển.

    Thế nhưng bất chấp các quy luật vật lý thiên văn thông thường, hành tinh này như một chiến binh bất tử với bầu khí quyển dày đặc đến vô lý.

    Chưa kể, nó là một trong các Sao Hải Vương nóng có mật độ thấp nhất – thấp hơn 60 lần so với cái dày đặc nhất trong loại hành tinh này từng được ghi nhận.

    Lẽ ra nó chỉ có thể tồn tại trong khoảng 100 triệu năm, sau đó quỹ đạo sẽ bị phá vỡ bởi lực hấp dẫn khắc nghiệt của sao mẹ và cuối cùng bị sao mẹ nuốt mất. Nhưng. rõ ràng nó đã lang thang ở vùng “tử địa” này lâu hơn thế nhiều.

    “Hành tinh này không phát triển theo cách chúng ta nghĩ” – TS Sam Grunblatt, nhà vật lý thiên văn từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nhận định. Ông thừa nhận rằng Phoenix vẫn là một câu đố lớn.

    Nói cách khác, nhóm nghiên cứu chỉ có thể xác định sự tồn tại và sự kỳ lạ của hành tinh nhưng không có cách nào giải thích vì sao nó có thể phát triển như thế.

    Sau các phát hiện ban đầu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomical Journal, các nhà nghiên cứu cho biết họ sẽ tiếp tục làm việc để cố gắng lý giải các bí ẩn.

    Một trong những vấn đề gây thú vị là trạng thái sao khổng lồ đỏ của ngôi sao mẹ, vốn là trạng thái “hấp hối” của các vì sao.

    Mặt Trời của chúng ta sẽ phình to lên thành sao khổng lồ đỏ trong vòng 5 tỉ năm tới – và có thể nuốt mất cả Sao Thủy, Sao Kim và Trái Đất trong quá trình phình to – trước khi phát nổ và sụp đổ thành sao lùn trắng.

    Rõ ràng trong trường hợp Phoenix, nó đã sống sót sau cú phình to khốc liệt của sao mẹ. Ngoài ra, cách mà hành tinh Phoenix giữ được bầu khí quyển có thể góp phần giải thích cách mà Trái Đất của chúng ta đã giữ được bầu khí quyển tốt như thế sau hơn 4,5 tỉ năm phát triển.

    (x)
    (x)