Theo Heritage Daily, cổ văn Ả Rập có ghi chép về một thành phố cổ mang tên Tu’am được lập nên từ thế kỷ thứ IV, nhanh chóng trở thành đô thị trung tâm của khu vực bờ biển vùng Vịnh trong thế kỷ thứ V và IV, nổi tiếng với ngành đánh bắt ngọc trai và buôn bán đá quý.
Thế nhưng qua hàng thế kỷ, thành phố vĩ đại này mất tích bí ẩn trong các ghi chép lẫn hồ sơ khảo cổ.
Giờ đây, tại hòn đảo Al Sinniyah, một hòn đảo nhỏ phía Tây bán đảo Khor Al Bidiyah của Tiểu vương quốc Umm Al Quwain thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), các nhà khoa học đã gặp bất ngờ.
Nhóm nghiên cứu từ Sở Du lịch và khảo cổ học Umm Al Quwain đã phát hiện dấu vết của các tòa nhà chung cư bán đô thị hóa rộng 30 m2, chật cứng xung quanh các lối đi hẹp.
Các dấu vết cho thấy nơi đây giống như một làng nghề ngọc trai. Một phần của một tu viện cũng được phát hiện trong khu vực.
Trước đó, người ta đã biết đến một nghĩa trang cổ ở khu vực lân cận, nơi các bộ xương không có bằng chứng về chấn thương hay cái chết dữ dội dù nhiều người chết trẻ.
Đối chiếu với cổ văn, Tu’am là câu trả lời duy nhất, cho dù không có dòng chữ nào xác nhận điều đó được tìm thấy.
Tuy nhiên, không có tàn tích đô thị nào khác được xác nhận ở vùng bờ biển này, nơi cổ văn cho biết Tu’am từng tọa lạc.
Thành phố cổ đại rộng lớn hơn rất nhiều, có thể bao quát phần phế tích làng nghề ngọc trai cho đến tận nghĩa trang cổ được tìm thấy trước đó.
Cái chết bí ẩn, không có dấu hiệu thương tích của những người nơi nghĩa trang cũng khớp với các ghi chép cho biết thành phố Tu’am đã bị dịch hạch tấn công, sau đó dân số suy giảm nhanh chóng.