Theo Sci-News, sự chuyển động của lõi bên trong hành tinh chúng ta đã được cộng đồng khoa học tranh luận trong 3 thập kỷ, với một số nghiên cứu chỉ ra rằng lõi bên trong của Trái Đất quay nhanh hơn bề mặt hành tinh.
Một nghiên cứu mới, dẫn đầu bởi GS John Vidale của Đại học Nam California (Mỹ), đã chỉ ra sự thay đổi khốc liệt từ khoảng năm 2010 mà người Trái Đất trước giờ không hay biết.
Bài công bố trên tạp chí khoa học Nature khẳng định: Lõi Trái Đất đã quay chậm lại. Hiện phần lõi này thậm chí quay còn chậm hơn các phần bên ngoài.
“Lần đầu tiên nhìn thấy các bản ghi địa chấn cho thấy sự thay đổi này, tôi đã rất bối rối. Nhưng khi chúng tôi tìm thấy hơn 20 quan sát khác báo hiệu cùng một mô hình, kết quả là không thể tránh khỏi” – GS Vidale nói.
Đây là lần đầu tiên lõi Trái Đất bị quay chậm lại sau 40 năm, thậm chí còn quay ngược với lớp bề mặt hành tinh
Lõi này là một quả cầu sắt-niken rắn được bao quanh bởi lõi ngoài sắt-niken lỏng, kích cỡ gần bằng Mặt Trăng và nằm ở độ sâu hơn 4.828 km dưới chân chúng ta.
Trong nghiên cứu, họ đã biên soạn và phân tích dữ liệu địa chấn được ghi lại xung quanh Quần đảo Nam Sandwich từ 121 trận động đất lặp lại xảy ra từ năm 1991 đến năm 2023.
Họ cũng sử dụng dữ liệu từ các vụ thử hạt nhân kép của Liên Xô từ năm 1971-1974, vốn gây nên những chấn động giống kiểu địa chấn, cũng như các vụ thử hạt nhân lặp đi lặp lại của Pháp và Mỹ.
Tất cả đều cho thấy một kết quả.
Hiện các nhà khoa học vẫn chưa thể đánh giá toàn diện sự thay đổi đối với bề mặt Trái Đất liên quan đến “hành vi bất thường” của lõi hành tinh.
Chỉ có thể biết đường rằng độ dài một ngày trên thực tế đã thay đổi. Tuy vậy, bạn không cần chỉnh đồng hồ. Những thay đổi trên chỉ làm ngày ngắn đi chừng một phần ngàn giây.
Các nhà khoa học vẫn nghi ngờ về những thay đổi tiềm ẩn khác đã và đang ảnh hưởng tới hành tinh, kể từ khi lõi chậm lại.
Họ có dự định đào sâu nghiên cứu theo hướng này, điều không chỉ giúp dự đoán những gì xảy ra trong tương lai, mà còn giúp hiểu sâu hơn về lịch sử của hành tinh.