Tuyệt tích 510 triệu năm, quái vật Cambri “hiện hình” nguyên vẹn

  • Quái thú chưa từng thấy lộ diện sau 138 triệu năm ẩn mình
  • Clip rùng mình từ ESA: Trái Đất trong khoảnh khắc “đảo ngược”
  • Mỹ dò tín hiệu vô tuyến từ 7 hành tinh gần giống Trái Đất

  • Một nhóm nghiên cứu đa quốc gia đã tìm thấy những hóa thạch hoàn hảo chưa từng thấy về bọ ba thùy, loài quái vật bé nhỏ nhưng rất quan trọng trên cây tiến hóa của sinh vật địa cầu.

    Bộ xương ngoài cứng và dễ bị vôi hóa của bọ ba thùy thường được tìm thấy trước đây, nhưng những mẫu hóa thạch mới lại gây kinh ngạc bởi bảo tồn hoàn hảo cả các mô mềm, thậm chí các cấu trúc nhỏ như lông tơ cũng còn nguyên.

    Tuyệt tích 510 triệu năm, quái vật Cambri

    Các “quái vật đại dương” kỷ Cambri trong thảm họa núi lửa 510 triệu năm trước – Ảnh: SCIENCE

    Theo Sci-News, khác với đa số hóa thạch thường là bộ xương hay một mặt của cơ thể được ép cứng hay “điêu khắc” vào đá, hóa thạch ở Morocco là một bức tượng 3D hoàn toàn sống động.

    Điều hy hữu này là lãnh địa của bọ ba thùy ở khu vực High Atlas của Morocco được tạo nên bởi một sự kiện núi lửa tàn khốc 510 triệu năm trước.

    Tro nóng bỏng từ núi lửa ập xuống đột ngột vùng biển nơi các con bọ ba thùy này đang bơi, bọc lấy chúng ngay lập tức, khiến toàn bộ cơ thể hóa thạch nhanh chóng theo đúng hình dạng lúc chúng đang cố gắng chạy trốn núi lửa.

    Khuôn tro bảo quản từng bộ phận cơ thể, chân và thậm chí cả những cấu trúc giống như sợi lông chạy dọc theo các phần phụ.

    Tuyệt tích 510 triệu năm, quái vật Cambri

    Hóa thạch 3D được khai quật ở Morocco – Ảnh: SCIENCE

    Đường tiêu hóa của những con quái vật cũng được tro lấp đầy, bảo quản nguyên hình dạng.

    Ngoài ra, các nhà cổ sinh vật học còn tìm thấy những cấu trúc nhỏ như những chiếc đèn gắn trên vỏ ngoài con vật bằng một dải thịt đã hóa thạch.

    Sử dụng công nghệ quét CT và mô hình máy tính các lát cắt X-quang ảo, các nhà nghiên cứu đã mô tả trên tạp chí Science một số chi tiết trước đây chưa từng biết về nhóm sinh vật kỳ dị này.

    “Những phát hiện này được dự đoán sẽ dẫn đến những khám phá quan trọng về sự tiến hóa của sự sống trên hành tinh chúng ta” – GS Abderrazak El Albani, nhà địa chất học tại Đại học Poitiers (Pháp) – đồng tác giả, cho biết.

    Kỷ Cambri (khoảng 541-485 triệu năm trước) là kỷ nguyên bùng nổ sinh học của Trái Đất, đánh dấu bằng việc các loài đa bào đơn giản ban đầu bỗng chốc trở nên vô cùng đa dạng và phức tạp trong thời gian ngắn.

    Chúng là những quái vật hoàn toàn lạ lùng so với sinh vật hiện đại, hầu hết đã không còn con cháu trực tiếp vì các đại tuyệt chủng khốc liệt, nhưng vẫn đóng vai trò nền tảng cho sự sống của hành tinh ngày nay.

    (x)
    (x)