Theo bài công bố trên International Journal of Osteoarchaeology, ngôi mộ cổ kỳ lạ được làm theo dạng hố chôn cất, sâu đến 1,4 m và chứa 5 bộ xương.
Các bước phân tích sơ bộ cho thấy đó là xương của một con linh miêu và 4 con chó, được chôn tận 1.500 năm trước và được sắp xếp rất quái dị.
Trong đó, bộ xương con linh miêu được đặt ở nơi sâu nhất dưới đáy mộ, sau đó các lớp đất được dùng để phân tầng, chôn tiếp 4 con chó lên trên, mỗi con một tầng với độ sâu lần lượt là 100 cm, 85 cm, 65 cm và 25 cm.
Ngôi mộ cổ được phát hiện tại địa điểm Zamárdi-Kútvölgyi-dűlő ở miền Trung Tây Hungary, một khu vực mang tên Pannonia từng bị cai trị bởi người La Mã.
Khu vực này dường như là một khu định cư nhỏ, trong đó những người sống cùng niên đại với ngôi mộ cổ chủ yếu lấy thực phẩm từ thú chăn nuôi, cây trồng hơn là từ thú săn hoang dã. Một số tòa nhà, hố, giếng và lò nướng cổ đại cũng được tìm thấy tại địa điểm.
Đồng tác giả nghiên cứu Lászlo Bartosiewicz từ Đại học Stockholm (Thụy Điển) cho biết thật khó để lý giải về ngôi mộ cổ này.
Dấu tích của linh miêu từng được tìm thấy ở vài địa điểm khảo cổ ở châu Âu và châu Á, tuy nhiên cũng cực hiếm vì người dân các châu lục này thường không ăn thịt linh miêu. Những thứ còn lại chủ yếu là móng vuốt của linh miêu, được chôn trong mộ con người.
Rất hiếm khi bộ xương nguyên vẹn được tìm thấy như trường hợp ở Hungary.
Các nhà khảo cổ chỉ có thể suy đoán rằng việc chôn cất này có thể mang tính nghi lễ. Cái chết của các con vật này có thể xảy ra sau cuộc ác đấu giữa chúng.