Hơn 10 mẫu vật thuộc về một loài sinh vật chưa từng được biết đến trước đây đã được tìm thấy tại Công viên quốc gia Nilpena Ediacara ở miền Nam nước Úc.
Chúng được đặt danh pháp là Quaestio simpsonorum, vẫn chưa rõ vị trí trên cây gia phả phức tạp của động vật Trái Đất và mang thân hình kỳ lạ với một dấu chấm hỏi lớn.
Theo Sci-News, Quaestio simpsonorum được xác định là một động vật sơ khai thuộc kỷ Ediacara (635-538 triệu năm trước), là kỷ cuối cùng của đại Tân Nguyên Sinh, liên đại Ẩn Sinh, hay còn gọi là thời kỳ tiền Cambri.
Đây là một giai đoạn quan trọng đầy bí ẩn trong lịch sử Trái Đất, diễn ra trước cuộc bùng nổ sinh học kỷ Cambri, vốn đã giúp định hình nên thế giới sự sống hiện tại.
Các mẫu vật vừa được khai quật đã gây bất ngờ vì kích cỡ và độ phức tạp của nó.
Với đường kính khoảng 8 cm, sinh vật giống chiếc đĩa tròn bí ẩn này rất lớn so với hệ động vật sơ khai vào thời điểm trên dưới 600 triệu năm trước.
GS Mary Droser từ Đại học California (Mỹ), đồng tác giả, cho biết điều đặc biệt nhất của hóa thạch này là về cơ bản nó có tính đối xứng hai bên, dù vẫn có một thành phần không đối xứng tạo thành hình dấu hỏi ngược.
“Loại đối xứng này biểu thị mức độ phức tạp nhất định về mặt di truyền. Con người có tính đối xứng hai bên nhưng có một số điểm không đối xứng, ví dụ như vị trí của tim và ruột thừa” – GS Droser giải thích.
Theo các nhà nghiên cứu, đây có thể là một trong những sinh vật đầu tiên trên hành tinh tự tổ chức cơ thể theo cách đặc biệt này.
Theo GS Scott Evans từ Đại học bang Florida (Mỹ), đồng tác giả, các bằng chứng tại khu vực khai quật được Quaestio simpsonorum cho thấy chúng đã ăn thảm hữu cơ cổ đại khi di chuyển.
Việc tìm thấy một sinh vật hơn nửa tỉ năm tuổi được bảo quản nguyên vẹn trong không gian sống của chúng, phản ánh được cả hành vi khi còn sống, là một kho báu vô song đối với các nhà cổ sinh vật học.
Nghiên cứu mô tả về sinh vật đặc biệt này vừa được công bố trên tạp chí khoa học Evolution & Development.