Hé lộ điều khó ngờ về nguồn gốc sự sống Trái Đất từ Đại Tây Dương

  • Quái thú chưa từng thấy lộ diện sau 138 triệu năm ẩn mình
  • Clip rùng mình từ ESA: Trái Đất trong khoảnh khắc “đảo ngược”
  • Mỹ dò tín hiệu vô tuyến từ 7 hành tinh gần giống Trái Đất

  • Lõi đá lớp phủ dài 1.268 m mà một nhóm khoa học gia quốc tế thu thập được là bằng chứng cho cái gọi là “phản ứng sinh ra sự sống”, tức cách mà địa cầu biến các “khối xây dựng sự sống” vô tri ban đầu trở thành các thành phần đầu tiên của một sinh vật.

    Hé lộ điều khó ngờ về nguồn gốc sự sống Trái Đất từ Đại Tây Dương- Ảnh 1.

    Các nhà khoa học đang nghiên cứu các mẫu đá từ lõi đá lớp phủ lấy lên từ Sống núi giữa Đại Tây Dương – Ảnh: ĐẠI HỌC CARDIFF

    Theo SciTech Daily, lõi đá này được tàu khoan đại dương JOIDES Resolution thu thập từ một cửa sổ kiến tạo lộ ra dọc theo Sống núi giữa Đại Tây Dương.

    Đó là ranh giới mảng tách giãn chạy giữa đáy của Đại Tây Dương và cũng là dãy núi dài nhất trên thế giới, chia tách mảng kiến tạo Á – Âu với mảng Bắc Mỹ ở phía Bắc Đại Tây Dương, cũng như mảng châu Phi với mảng Nam Mỹ ở phía Nam Đại Tây Dương.

    GS Johan Lissenberg từ Đại học Cardiff (Anh), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết việc thu hồi được lõi đá lớp phủ này không chỉ là một kỷ lục, mà giá trị lớn nhất của nó nằm ở chỗ nó thể cho chúng ta biết về cấu tạo và sự tiến hóa của địa cầu.

    Chúng giúp giải thích nhiều quá trình vẫn diễn ra trong thực tại, ví dụ cách magma hình thành cho các hoạt động núi lửa.

    Nhưng quan trọng hơn, bài công bố trên tạp chí Science cho biết lõi đá này đã tiết lộ cách olivin, một loại khoáng chất dồi dào trong đá lớp phủ, phản ứng với nước biển.

    Trên Trái Đất non trẻ hàng tỉ năm trước, chính phản ứng này đã dẫn đến một loạt phản ứng hóa học dây chuyền, tạo ra hydro và các phân tử khác có thể cung cấp nhiên liệu cho sự sống.

    Các tác giả tin rằng đây có thể là một trong những quá trình nền tảng cho nguồn gốc sự sống trên Trái Đất.

    TS Susan Q Lang, từ Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ), đồng tác giả và trưởng nhóm thám hiểm Đại Tây Dương, cho biết loại đá sâu thẳm trong lõi đá họ mang về rất giống những gì có mặt trên bề mặt hành tinh thời kỳ đầu.

    Do vậy, việc phân tích chúng là cửa sổ thời gian giúp tái hiện môi trường hóa học và vật lý đã tồn tại trên địa cầu sơ khai, thứ cung cấp nguồn nhiên liệu ổn định cùng các điều kiện thuận lợi khác trong khung thời gian địa chất dài để nuôi dưỡng các dạng sống đầu tiên.

    Và chính môi trường này có thể tiết lộ cách những hạt mầm của sự sống – rất có thể là từ vũ trụ – được biến đổi thành sinh vật trong thứ mà các nhà khoa học gọi là “nồi súp nguyên thủy”, chứa đựng những phản ứng hóa học mầu nhiệm và bí ẩn như chiếc vạc phù thủy.

    (x)
    (x)