Gã khổng lồ kỷ Tam Điệp: Bất ngờ từ xương quái thú 210 triệu tuổi

  • Đá Mặt Trăng chôn giấu “báu vật thời gian” của Trái Đất?
  • Kính viễn vọng chụp được dấu chấm hỏi ma quái giữa vũ trụ
  • “Hô biến” rác thành phân hữu cơ tại nhà

  • Theo SciTech Daily, hóa thạch không hoàn chỉnh của một quái thú chưa từng được ghi nhận trong hồ sơ cổ sinh vật học đã được tìm thấy trong các tảng đá kỷ Tam Điệp ở lưu vực Mid-Zambezi – Zimbabwe.

    Gã khổng lồ kỷ Tam Điệp: Bất ngờ từ xương quái thú 210 triệu tuổi- Ảnh 1.

    Một phần xương đùi của quái thú kỷ Tam Điệp lộ ra trong đá. Ảnh: Paul Barrett

    GS Paul Barrett, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh), cùng các cộng sự từ Đại học Witwatersrand (Nam Phi), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Zimbabwe và Đại học Stony Brook (Mỹ) đã xác định đó là một loài khủng long hoàn toàn mới.

    Mô tả loài quái thú này trên tạp chí khoa học Acta Palaeontologica Polonica, các tác giả cho biết Sauropodomorpha, một nhóm khủng long hai chân, cổ dài bắt đầu gia tăng số lượng vào thế Tam Điệp muộn.

    Sauropodomorpha là nhánh khủng long lớn bao gồm cả dòng họ Sauropod, là dòng họ khủng long có kích thước vĩ đại nhất từng bước đi trên các lục địa.

    Trong khi các thành viên nặng hàng chục tấn của nhánh này phổ biến nhất vào kỷ Phấn Trắng rất lâu sau đó, thì với trọng lượng khoảng 390 kg khi còn sống, loài quái thú mới ở Zimbabwe đã là một trong những con khủng long to lớn nhất kỷ Tam Điệp.

    Bởi lẽ, kỷ Tam Điệp được coi là “buổi bình minh” của loài khủng long, với các loài sơ khai có kích thước còn khá nhỏ, thậm chí rất nhỏ cỡ một con tắc kè.

    Sau đó, các loài lớn hơn bắt đầu xuất hiện trong kỷ Jura tiếp theo trước khi bước vào thời hoàng kim là kỷ Phấn Trắng.

    Loài mới được các nhà khoa học đặt tên Musankwa sanyatiensis, lấy ý tưởng từ tên Musankwa của chiếc thuyền kiêm phòng thí nghiệm di động mà nhóm khai quật đã sử dụng.

    Cho dù to lớn so với các động vật khác cùng thời kỳ, chúng vẫn là loài ăn cỏ hiền lành như thế hệ con cháu sau này.

    Gã khổng lồ kỷ Tam Điệp: Bất ngờ từ xương quái thú 210 triệu tuổi- Ảnh 3.

    Musankwa sanyatiensis (đứng) trong hình ảnh phác thảo sơ lược của nhóm nghiên cứu – Ảnh: Atashni Moopen

    Phát hiện mới đã làm phong phú thêm chuỗi phát hiện thú vị về thế giới khủng long sơ khai nhất ở châu Phi.

    Chúng bao gồm một số loài khủng long lâu đời nhất như Nyasasaurus parringtoni từ Tanzania và Mbiresaurus raathi từ Zimbabwe, cũng như các quần thể khủng long phong phú từ Nam Phi, Tanzania, Niger và Morocco.

    Musankwa sanyatiensis cũng đại diện cho một “thế giới đã mất” của kỷ Tam Điệp, vì tồn tại gần với đại tuyệt chủng xảy ra vào cuối kỷ này, trước khi bùng nổ sinh học lần nữa vào 200 triệu năm trước, khi bắt đầu kỷ Jura.

    (x)
    (x)