Theo ESA, hiện tại tàu vũ trụ Gaia đã quay trở lại hoạt động bình thường sau gần 3 tháng liên tục gặp những sự cố nghiêm trọng, nối tiếp nhau một cách đầy xui xẻo, bao gồm “một vụ va chạm tàn khốc”.
Gaia quay quanh Trái Đất ở khoảng cách hơn 1,5 triệu km tại điểm được gọi là Điểm Lagrange L2, nơi tương tác hấp dẫn giữa hành tinh chúng ta và Mặt Trời tạo ra một vị trí ổn định.
Sứ mệnh của tàu vũ trụ này là tạo ra bản đồ 3D của từng ngôi sao bên trong Ngân Hà, tức thiên hà xoắn ốc chứa Trái Đất có tên quốc tế là Milky Way mà chúng ta vẫn quen gọi là “dải” Ngân Hà.
Theo Live Science, hồi tháng 4, một thiên thạch nhỏ hơn hạt cát đã va vào Gaia. Tuy rất nhỏ bé, nhưng cú va chạm ở nơi không bị ma sát khí quyển tác động gây là vô cùng mạnh.
“Hạt cát” này đã làm thủng một phần lớp bảo vệ xung quanh thiết bị đo đạc của Gaia.
Thật không may, Mặt Trời của chúng ta đang trong thời điểm hoạt động mạnh của chu kỳ và bức xạ từ nó liên tục lọt qua vết thủng nhỏ này, làm gián đoạn các cảm biến của tàu vũ trụ.
Vào tháng 5, vì lý do không rõ, một thiết bị điện tử khác đã hỏng. Nó là một phần của hệ thống cho phép Gaia xác thực việc phát hiện các ngôi sao.
Các sự cố đã kết hợp với nhau và dẫn đến hàng ngàn kết quả sai được gửi về sau đó.
“Gaia thường gửi hơn 25 gigabyte dữ liệu đến Trái Đất mỗi ngày, nhưng lượng dữ liệu này sẽ cao hơn rất nhiều nếu phần mềm trên tàu vũ trụ không loại bỏ được các phát hiện lầm lẫn” – kỹ sư vận hành Gaia Edmund Serpell tại Trung tâm điều hành không gian châu Âu cho biết.
Theo ESA, sự cố thứ hai vào tháng 5 có thể là do một vụ bùng nổ lớn của Mặt Trời, ví dụ các vụ phóng khối lượng đăng quang (CME), tương tự sự kiện đã gây ra hiện tượng cực quang lan rộng trên toàn cầu vào cùng thời điểm.
Mặc dù nhóm Gaia không thể làm gì nhiều với phần cứng của tàu vũ trụ, họ đã khắc phục sự cố bằng các bản vá lỗi phần mềm.
Thao tác này giúp thay đổi cách mà Gaia sàng lọc các vật thể nghi ngờ là sao. Nhờ đó, nó đã bắt đầu trả về những kết quả đúng trở lại.
Gaia trước đây đã giúp các nhà thiên văn học phát hiện ra những ngôi sao lâu đời nhất của Ngân Hà, được sinh ra cách đây hơn 12,5 tỉ năm.
Ngoài ra, “chiến thần” này cũng giúp phát hiện ra những người bạn đồng hành mờ nhạt của các ngôi sao lớn và các hệ sao đôi, trong đó đĩa của một ngôi sao che khuất một ngôi sao khác, điều mà các kính thiên văn khác khó lòng làm được.
Dữ liệu từ Gaia thậm chí còn giúp tính toán thời điểm Ngân Hà sẽ hợp nhất với thiên hà Andromeda (Tiên Nữ) lân cận: Khoảng 4,5 tỉ năm tới, một sự kiện có thể hất văng Trái Đất khỏi vị trí hiện tại, nếu như lúc đó hành tinh của chúng ta còn tồn tại.