Theo Live Science, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Sonia Fornasier từ Đại học Paris Cité (Pháp) đã phân tích một loạt hình ảnh chưa từng được công bố của tàu vũ trụ thăm dò Sao Hỏa Mars Express – Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).
Đó là 300 bức ảnh ghi lại một cách tinh xảo các đặc điểm của Phobos, mặt trăng lớn trong 2 mặt trăng của Sao Hỏa.
Các phép đo quang cho thấy bề mặt của Phobos có thể xốp, giống như cát và không có khí quyển. Ngoài ra bề mặt này có thể bị che phủ bởi một lớp dày các hạt bụi có rãnh kỳ dị, dẫn đến sự phản chiếu ánh sáng Mặt Trời không đồng đều.
Những đặc tính này không hề giống các mặt trăng khác trong hệ Mặt Trời, mà lại giống các sao chổi thuộc họ Sao Mộc, tức các sao chổi có quỹ đạo bị điều chỉnh bởi lực hấp dẫn của Sao Mộc.
Ngoài ra, các nghiên cứu trước đó cũng cho thấy Phobos của Sao Hỏa không hề có nguồn gốc giống Mặt Trăng của Trái Đất.
Mặt Trăng được cho là kết tụ từ những mảnh vỡ từ cú va chạm giữa Trái Đất sơ khai và hành tinh giả thuyết Theia, do đó mang thành phần tương đồng với Trái Đất hiện tại. Nhưng thành phần của Phobos hoàn toàn khác hành tinh mẹ của nó, do vậy nó là một “mặt trăng bị bắt cóc”. Và trong kịch bản hợp lý nhất, Phobos phải là một sao chổi ngụy trang thành mặt trăng.
Những phát hiện này cũng có ý nghĩa đối với Deimos. Nếu Phobos từng là sao chổi thì Deimos cũng có thể là một sao chổi.
Trên thực tế, nhóm tác giả cho rằng 2 mặt trăng có thể đã từng là một sao chổi duy nhất gồm 2 thùy lớn, nhỏ khác nhau, bị xé nát bởi Sao Hỏa, sau đó bị mắc kẹt vào quỹ đạo và trở thành mặt trăng của hành tinh này.
Nói các mặt trăng Sao Hỏa có nguồn gốc “tăm tối” là bởi vì hầu hết sao chổi trong Thái Dương hệ đều đến từ Vành đai Kuiper hoặc Đám mây Oort, là các cấu trúc xa xăm ở vùng rìa âm u của hệ sao.
Phát hiện này vẫn cần một bằng chứng xác nhận cuối cùng. Rất may, tàu vũ trụ MMX của Nhật Bản – dự định sẽ được phóng năm nay trong một sứ mệnh hợp tác với NASA – sẽ tiến tới Phobos và Deimos để lấy mẫu, hứa hẹn đem về câu trả lời thú vị.