Theo trang thông tin của NASA, khi xem xét các dữ liệu chụp cận cơn bão Great Red Spot – là vết đỏ lớn nổi bật trên Sao Mộc, các nhà khoa học đã nhận thấy một chấm đen lơ lửng. Đó chính là mặt trăng bí ẩn Amalthea.
Amalthea là một mặt trăng nhỏ trong “đội quân” 92 mặt trăng của Sao Mộc.
Với bán kính chỉ 84 km, Amalthea có hình dạng giống củ khoai tây vì thiếu khối lượng để tự kéo mình thành hình cầu.
Năm 2000, tàu vũ trụ Galileo của NASA đã từng quan sát được mặt trăng này khá rõ, tiết lộ một số đặc điểm bề mặt, bao gồm các miệng hố va chạm, đồi và thung lũng.
Trong hình ảnh mới này, Amalthea có vẻ nằm lẻ loi và lơ lửng ngay trên bầu trời Sao Mộc là vì nó là một trong các mặt trăng quay gần hành tinh khổng lồ khí nhất.
Quỹ đạo của Amalthea thậm chí nằm bên trong quỹ đạo của Io, là vệ tinh trong cùng trong nhóm mặt trăng Galilean nổi tiếng – vốn bao gồm Europa, Ganymede và Calisto, được nhà bác học Galileo Galilei phát hiện đầu thế kỷ XVII.
Theo các tính toán của NASA, mặt trăng Amalthea chỉ mất 0,498 ngày Trái Đất để hoàn thành một quỹ đạo quanh Sao Mộc.
Điểm nổi bật nhất của vệ tinh bé nhỏ này đó là màu đỏ rực của nó. Amalthea là vật thể đỏ nhất hệ Mặt Trời từng được biết đến.
Các quan sát cho thấy nó tỏa ra nhiều nhiệt hơn mức nhận được từ Mặt Trời. Điều này có thể là do khi nó quay quanh từ trường mạnh của Sao Mộc, dòng điện được tạo ra trong lõi mặt trăng.
Ngoài ra, nhiệt có thể là do áp lực thủy triều do lực hấp dẫn khủng khiếp của hành tinh mẹ khổng lồ gây ra.
Tuy vậy, nhìn chung màu đỏ này vẫn còn nhiều bí ẩn.
Không dễ để quan sát kỹ lưỡng những mặt trăng nhỏ bé của Sao Mộc, nhưng các nhà khoa học hy vọng rằng Juno và các sứ mệnh tiên tiến hơn sau này sẽ dần vén bức màn về đội quân vệ tinh đông đảo này.
Trên văn bản, Sao Mộc là hành tinh có nhiều mặt trăng nhất Thái Dương hệ nhưng có thể nó sẽ sớm bị soán ngôi bởi Sao Thổ.
Sao Thổ đang có 62 mặt trăng mới đang chờ Liên đoàn Thiên văn quốc tế (IAU) công nhận, điều có thể giúp nó sở hữu tổng cộng 145 mặt trăng.