Một nghiên cứu đa quốc gia vừa công bố trên tạp chí khoa học Journal of Vertebrate Paleontology đã mô tả một loài quái thú hoàn toàn mới của kỷ Phấn Trắng, mang tên Harenadraco prima, có nghĩa là “con rồng cát đầu tiên” trong tiếng Latin.
Tuy gọi là “rồng cát”, nhưng thực ra sinh vật vừa được xác định là một loài mới thuộc họ “điểu long răng khía” (Troodontidae), một nhóm khủng long chân thú giống chim.
Dòng họ điểu long răng khía này tồn tại từ thế Jura muộn đến thế Phấn Trắng muộn, tức khoảng 161-66 triệu năm trước.
Nhà cổ sinh vật học Sungjin Lee từ Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết riêng mẫu vật giúp xác định loài Harenadraco prima khoảng 71-72 triệu tuổi.
Ông cũng mô tả sinh vật này có hình dáng khá đặc trưng của điểu long răng khía: Hốc mắt lớn, chân sau dài với xương bàn chân không đối xứng, móng guốc lớn ở ngón chân thứ hai, nhiều đặc điểm giống chim.
Harenadraco prima tương đối nhỏ so với các loài khác cùng họ, thân mình chỉ dài khoảng 1 m.
Bộ xương hóa thạch không hoàn chỉnh của nó đã được tìm thấy tại Hệ tầng Baruungoyot thuộc tỉnh Ömnögovi của Mông Cổ. Ömnögovi nằm ở phía Nam đất nước và thuộc sa mạc Gobi cằn cỗi.
Theo Sci-News, các tầng đá thuộc thế Phấn trắng muộn ở sa mạc Gobi là nguồn cung cấp dồi dào nhiều loài điểu long răng khía, đặc biệt là các hệ tầng Nemegt và Djadochta ở lưu vực Nemegt – Mông Cổ cũng như thành hệ Wulansuhai ở Bayan Mandahu – Trung Quốc.
Các khu vực trên đã cung cấp 8 loài khác thuộc họ này. Ngoài ra, họ khủng long này cũng hiện diện ở Bắc Mỹ.
Tuy vậy, đây là lần đầu tiên một loài điểu long răng khía được tìm thấy ở hệ tầng Baruungoyot, cho dù nơi đây đã cung cấp cho các nhà cổ sinh vật học vô số động vật cùng thời khác.
Do vậy, con quái thú vừa được phát hiện mới được gọi là “con rồng cát đầu tiên”.