Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, nhóm tác giả dẫn đầu bởi TS Lorenzo Lustri từ Đại học Lausanne (Thụy Sĩ) đã truy tìm sinh vật tổ tiên của nhóm động vật chân đốt rất phổ biến ngày nay như: nhện, bọ cạp, cua móng ngựa…
Bọ cạp, nhện và cua móng ngựa hiện nay thuộc về dòng dõi động vật chân đốt rộng lớn, xuất hiện trên Trái Đất gần 540 triệu năm trước, tức đầu kỷ Cambri.
“Chính xác hơn, chúng thuộc về một phân ngành gồm các sinh vật có càng được sử dụng đặc biệt để cắn, tóm lấy con mồi hoặc tiêm nọc độc, gọi là chelicerae. Nhưng tổ tiên của nhóm đặc biệt này là gì?” – TS Lustri đặt vấn đề.
Câu hỏi này đã khiến các nhà cổ sinh vật học bối rối kể từ khi nghiên cứu về hóa thạch cổ đại bắt đầu.
Rất nhiều sinh vật dị hình của kỷ Cambri hay kỷ Ordovic tiếp sau đó đã được tìm thấy, nhưng trước đây chưa có sinh vật nào có đủ điểm tương đồng với các loài hiện đại nói trên để có thể coi là tổ tiên của các động vật này.
Nhón của TS Lustri đã “bắt được vàng” khi tìm ra câu trả lời trong một phiến đá cổ ở Morocco.
Được đặt tên là Setapedites abundantis, loài mới chính là sinh vật nằm ở bước tiến hóa trung gian giữa các sơ khai hơn kỷ Cambri với động vật chân đốt.
Sinh vật này chỉ dài 0,5-1cm, bơi trong vùng biển kỷ Ordovic 478 triệu năm về trước.
Các đặc điểm giải phẫu của nó đã cung cấp chi tiết về các bước tiến hóa đầu tiên để hình thành nên một nhóm sinh vật riêng biệt gọi là động vật chân đốt.
Vì vậy, có thể nói nó chính là vị thủy tổ mất tích của nhện, bọ cạp, của móng ngựa… thời hiện đại.
Kỷ Cambri và sau đó là kỷ Ordovic là những giai đoạn chứng kiến sự tiến hóa nhảy vọt của động vật Trái Đất ở các vùng đại dương.
Tuy hầu hết lớp sinh vật này đã xóa sổ các đại tuyệt chủng, nhưng con cháu của chúng – với các kiểu tiến hóa hoàn toàn khác biệt – chính là nền tảng của động vật ngày nay.