Như nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy vào thời điểm mà người phụ nữ được gọi là Shanidar Z sinh sống – 75.000 năm trước – địa cầu không chỉ có loài Homo sapiens chúng ta mà còn có người Neanderthals và Denisovans, khác loài nhưng cùng chi Homo (chi Người).
Trong đó, người Neanderthals thường được mô tả với những đường nét cứng cáp, gồ ghề trên gương mặt. Thế nhưng bà Shanidar Z đã cho thấy sự thật hoàn toàn khác.
Vào năm 2018, một nhóm do Đại học Cambridge (Anh) dẫn đầu đã thực hiện một khám phá mang tính đột phá bên trong hang Shanidar ở Iraq, một địa điểm trước đây nổi tiếng với hàng loạt hài cốt của người Neanderthals.
Hang động đặc biệt này đã không mang lại những khám phá mới về người Neanderthal trong hơn 50 năm, khiến việc khai quật được hài cốt mang tên là Shanidar Z trở nên đặc biệt quan trọng.
Phát hiện càng quý giá hơn bởi phần hộp sọ được bảo tồn tốt ngoài mong đợi.
Trong những năm tiếp theo, nhóm khoa học gia Cambridge đã nỗ lực tìm lại chân dung của người phụ nữ này, được cho là khoảng hơn 40 tuổi khi qua đời.
Việc tái tạo khuôn mặt của bà Shanidar Z là một quá trình tốn nhiều công sức, trong đó hơn 200 mảnh hộp sọ của bà được TS Lucía López-Polín, người bảo quản chính, ghép lại với nhau.
Tiếp theo là việc sử dụng các kỹ thuật khảo cổ và pháp y tiên tiến để mô hình hóa các đặc điểm trên khuôn mặt của cô, được giám sát bởi các nhà cổ sinh vật học Adrie và Alfons Kennis.
Kết quả dựa trên các đặc điểm giải phẫu chính xác này là một dung nhan hoàn toàn gây sốc, vì giống con người hiện đại hơn nhiều so với mong đợi.
Khuôn mặt với những nét mềm mại này gợi ý về mối quan hệ tiến hóa chặt chẽ hơn với loài người hiện đại. Sự tương đồng về giải phẫu thường liên quan đến sự gần gũi về di truyền, vì vậy ủng hộ các lý thuyết về sự giao phối dễ dàng giữa hai loài.
Chuỗi nghiên cứu đang tiến hành xung quanh di chỉ hang Shanidar không chỉ mang lại một chân dung cổ xưa, mà còn cung cấp cái nhìn sâu sắc về các hoạt động văn hóa của người Neanderthals.
Hang động này được sử dụng như nơi an táng của nhiều thế hệ, cung cấp bằng chứng về một cách tiếp cận phức tạp đối với cái chết, bao gồm cả hành vi có thể mang tính nghi lễ, mà trước đây khoa học nghĩ rằng chỉ tồn tại ở Homo sapiens rất lâu sau này.
GS Graeme Barker từ Viện nghiên cứu khảo cổ McDonald của Đại học Cambridge cho biết các phát hiện này cho thấy những người khác loài này đã có quan niệm về cái chết không khác chúng ta.