NASA tuyên bố sẽ khởi động dự án “Đài quan sát Các thế giới có thể sống được” (HWO) vào cuối mùa hè năm nay, mục tiêu là tiếp cận 25 hành tinh sở hữu môi trường phù hợp cho sự sống.
Theo Science Alert, các hợp đồng đã được trao cho 3 công ty là BAE Systems, Lockheed Martin và Northrop Grumman để nghiên cứu quang học, thiết kế sứ mệnh và các tính năng của kính thiên văn thế hệ tiếp theo với chi phí 17,5 triệu USD.
HWO dự kiến sẽ còn vượt lên cả Kính viễn vọng không gian Nancy Grace Roman, vốn đã gần như hoàn tất và sẽ được phóng lên vũ trụ vào năm 2027. Trong một tuyên bố, NASA chia sẻ cụ thể về chiến binh săn sự sống đã bị trì hoãn 10 năm này.
Theo NASA, mục tiêu chính của sứ mệnh là xác định và chụp ảnh trực tiếp ít nhất 25 thế giới có khả năng sinh sống được.
Cho đến nay, “thợ săn ngoại hành tinh” TESS của NASA đã xác định được hơn 5.000 thế giới khác, nhiều cái rất giống Trái Đất. Nhưng, nhân loại chỉ có thể tạm ngắm nhìn chúng qua hình ảnh đồ họa của cơ quan vũ trụ, vì việc chụp trực tiếp một thế giới quá xa xôi là hết sức nan giải.
Sau khi có được hình ảnh trực tiếp quý giá về ít nhất 25 hành tinh mục tiêu, HWO sẽ sử dụng phương pháp quang phổ để tìm kiếm dấu vết hóa học của sự sống trong bầu khí quyển của các hành tinh này, bao gồm các loại khí như oxy và methan.
Ngoài ra, đài quan sát còn có khả năng đem tới các khả năng nghiên cứu không gian sâu mới mà các thiết bị tiền nhiệm không thể phát huy.
Các hình ảnh độ phân giải cao – điều chính yếu mà nó được đầu tư – không chỉ cung cấp cái nhìn về các hành tinh khác, mà có thể được tận dụng để tìm hiểu các cấu trúc vũ trụ khác.
Vào tháng 1 năm nay, NASA đã yêu cầu các đề xuất nhằm thúc đẩy và cải tiến các công nghệ cần thiết cho HWO.
Nó sẽ bao gồm một thiết bị dạng đĩa có thể chặn ánh sáng từ ngôi sao mẹ của các hệ hành tinh khác, từ đó giúp nhận biết các hành tinh ở gần, bị khỏa lấp bởi ánh sáng đó, đặc biệt là các hành tinh nhỏ bé như Trái Đất.
Bên cạnh đó, NASA cũng hy vọng có thể tận dụng đài quan sát này để tìm hiểu các cấu trúc xa xôi nhất ở rìa hệ Mặt Trời.
Thật oái oăm, do góc quan sát, cho dù chúng ta đã nhìn thấy nhiều hành tinh khác và cả các thiên hà cách hàng tỉ năm ánh sáng, nhưng vẫn hoàn toàn mù mờ về chính Thái Dương hệ.
Trở lại các thế giới có thể sống được, tất nhiên mục tiêu đầu tiên là những hành tinh cách chúng ta chỉ vài chục đến vài trăm năm ánh sáng.
Các nhà khoa học tin rằng 1/5 số ngoại hành tinh ngoài kia là thế giới có thể sống được, giống như Trái Đất. Chỉ có điều là chúng quá xa, nên các thiết bị hiện tại chưa thể nắm bắt trực tiếp bằng chứng về sự sống đó. “Đài quan sát Các thế giới có thể sống được” hứa hẹn đem về các bằng chứng đáng mong đợi đó.